Trong bối cảnh tăng cường minh bạch tài chính và phòng chống rửa tiền, việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp đã trở thành yêu cầu pháp lý bắt buộc theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2025 và Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Vậy chủ sở hữu hưởng lợi là ai, được xác định theo những tiêu chí nào, và doanh nghiệp cần thực hiện những thủ tục gì để đảm bảo tuân thủ pháp luật?
Bài viết dưới đây của Luật Hoàng An sẽ giúp bạn hiểu rõ quy định và cách xác định chính xác chủ sở hữu hưởng lợi trong doanh nghiệp.
CHỦ SỞ HỮU HƯỞNG LỢI CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?
Theo khoản 35 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2025 quy định:
“35. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.”.
Nói cách khác, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (CSHHL) là cá nhân không chỉ đứng tên pháp lý mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát hoạt động, vận hành và quyết sách của doanh nghiệp.
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CHỦ SỞ HỮU HƯỞNG LỢI CỦA DOANH NGHIỆP
1. Xác định thông qua tỷ lệ góp vốn, cơ cấu cổ phần
Cá nhân sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp.
2. Xác định thông qua quyền chi phối đối với doanh nghiệp
Cá nhân có quyền chi phối việc thông qua ít nhất một trong các vấn đề sau:
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản rị, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên; người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp;
- Sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp;
- Thay đổi cơ cầu tổ chức, quản lý công ty;
- Tổ chức lại, giải thể công ty.
3. Những người có quyền chi phối trong công ty
- Công ty cổ phần: Cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn; Chủ tịch Hội đồng quản trị;
- Công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu (cá nhân hoặc tổ chức);
- Công ty TNHH hai thành viên: Thành viên góp tỷ lệ vốn lớn; Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Xem thêm: Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2025
CÁCH XÁC ĐỊNH CHỦ SỞ HỮU HƯỞNG LỢI CỦA DOANH NGHIỆP
Bước 1: Xác định cá nhân sở hữu trực tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết.
-> Nếu có, cá nhân đó được xác định là chủ sở hữu hưởng lợi.
Bước 2: Xác định cá nhân sở hữu gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết thông qua tổ chức trung gian.
-> Nếu có, cá nhân đó được xác định là chủ sở hữu hưởng lợi
Bước 3: Đánh giá quyền chi phối của cá nhân dù sở hữu trực tiếp dưới 25% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết.
-> Nếu cá nhân đó có quyền quyết định một trong các vấn đề sau, thì vẫn được xác định là CSHHL:
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
- Sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty;
- Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý;
- Tổ chức lại hoặc giải thể doanh nghiệp.
Bước 4: Thực hiện kê khai thông tin cá nhân được xác định là chủ sở hữu hưởng lợi.
Việc xác định đúng và kê khai đầy đủ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn góp phần tạo dựng sự minh bạch, nâng cao uy tín doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn trong việc xác minh hoặc khai báo thông tin này, Luật Hoàng An sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, rà soát và thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo doanh nghiệp bạn luôn an toàn pháp lý và vững bước phát triển.
Bình luận: